Truyện Sex Tuổi 23
Cánh tay toét máu của tôi cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới. Kính mới được thay, trò chơi đuổi bắt vẫn diễn ra cho tới hết cấp hai, vài ngày phải nhờ thằng Choác mang cặp hộ, thằng Ú vẫn bình thường vì tôi không muốn đổ tội cho nó (mà thực tình là tại tôi ngu chứ không phải tại nó).
Thứ năm tuần kế tiếp, thằng Ú có mời tôi nộm với cá chỉ vàng, gọi là đền bù chuyện hôm trước. Trông nó to con ghê gớm vậy chứ thực ra khá hài hước và khoái buôn dưa lê dưa chuột. Mọi thứ đều ổn, tuy nhiên, tôi khá phiền lòng về Linh. Em không hỏi thăm tôi một tiếng, cũng chẳng quan tâm tôi ra sao.
Đàn bà sắt đá thật!
Không có chuyện người đẹp dễ dàng về tay anh hùng như trong game hay phim ảnh đâu nhé! Khẳng định luôn đấy!
Nhưng ngày trước, tôi đã đánh giá sai về Linh, bây giờ vẫn thế. Vào thứ bảy, khi tiết cuối cùng kết thúc, lúc đang chuẩn bị ra về cùng thằng Choác thì tôi thấy Linh ra dấu hiệu, chừng như muốn tôi ở lại. Tôi bèn viện cớ mượn vở bài tập của em và đẩy thằng Choác ra ngoài (kinh nghiệm đời tôi là khi nói chuyện với gái, không được để cho mấy thằng bạn nhảy vào). Đợi thằng Choác đi rồi, Linh mới đến trước mặt tôi, hỏi:
– Sao rồi?
Em chỉ chỉ vào cánh tay, tôi cười phớ lớ:
– Khỏe re! Tao khỏe lắm!
Em ngó ngó cánh tay buộc băng trắng của tôi. Tôi bèn giơ tay ra trước mặt em rồi nói:
– Muốn coi vết khâu không?
Em không trả lời song đôi mắt đỏ hoe chực khóc, môi run run mấp máy điều gì đó. Tôi sợ điếng người, vội nói:
– Ê ê ê! Tao có làm gì mày đâu? Sao thế?
Linh nói, nói tới đâu, dòng nước mắt của em lăn dài tới đó:
– Ai bảo mày nhảy cầu thang… ai bảo mày nhảy từ tầng hai xuống?
Tôi cứ nghĩ Linh không hề quan tâm những màn biểu diễn của mình. Tôi lắp bắp:
– Ơ… ơ…
Em lại nói tiếp, tay quệt nước mắt, giọng đứt quãng:
– Ngu gì… mà ngu thế? Ngu vừa vừa thôi chứ! Ngu… ngu hết cả phần người khác! Ngu… ngu lắm!
Nói rồi em bỏ chạy khỏi lớp, để lại thằng cu con tôi đây chết đứng như Từ Hải. Cái Đập Con Muỗi (ĐCM)! Chuyện gì thế? – Tôi há mồm tự hỏi. Thằng Choác ngó vào lớp, hỏi:
– Mày lại “quấy rối” con Linh à?
– Quấy cái đầu mày ấy! – Tôi ngoạc mồm.
Tôi trở về nhà trong tâm trạng khó hiểu. Linh đang hỏi thăm tôi hay đang chửi tôi đây? Có cần thiết phải lặp từ “ngu” nhiều thế không? Không lẽ tôi ngu thật? Tôi không rõ, nhưng tôi cảm nhận được những lời mắng mỏ của em đã không còn sự băng giá nữa. Mùa đông giữa hai đứa chúng tôi đã biến mất, chỉ còn lại khoảng cách.
Và tôi còn một năm học cuối cùng của cấp hai để khỏa lấp khoảng cách ấy.
Tôi kết thúc năm lớp 8 với tấm bằng học sinh tiên tiến. Nhưng không phải vì cố gắng học hành mà là vì cố gắng quay cóp cộng thêm chút may mắn. Bố mẹ cũng chẳng tự hào gì với thành tích vượt bậc của tôi so với hồi lớp 7. Trong mắt các cụ, tôi vẫn là thằng con lười biếng với tương lai mờ mịt.
Ngày ấy, học sinh cấp hai phải thi tốt nghiệp – một kỳ thi cực kỳ quan trọng mà điểm số của nó sẽ quyết định đầu vào trường cấp ba. Ba môn toán, văn, tiếng Anh chắc chắn sẽ thi; môn còn lại có thể là hóa, lý hoặc những môn giời ơi như lịch sử hoặc địa lý. Toán văn hệ số nhân hai, tiếng anh và môn thứ tư hệ số nhân một, cứ thế mà xét tuyển đầu vào. Đậu trường nào sẽ tùy theo nơi sống của từng đứa.
Việc chọn trường cũng là một vấn đề. Đại khái tôi sống ở quận XYZ (xin phép không nêu tên), có bốn trường là A, B, C và D. Trong đó, trường A và B có điểm xét tuyển cao nhất; trường C thì làng nhàng; còn trường D tụ hợp nhiều thằng đầu bò đầu bướu thích đánh nhau hơn học. Tất nhiên môi trường học không ảnh hưởng tới kết quả thi đại học, càng không ảnh hưởng tương lai nghề nghiệp, nhưng học sinh lớp 9 đâu nghĩ được xa thế? Chúng nó (trong đó có tôi) chỉ biết rằng trường nào cao điểm hơn là có giá hơn. Không muốn rẽ cuộc đời vào một nơi làng nhàng hoặc đầy thằng đầu gấu, tôi đã nhắm đến trường B. Nhưng bố mẹ tôi không nghĩ tôi đủ sức vào đấy, ông cụ bảo:
– Nhắm trường nào vừa sức thôi con. Bố thấy trường D hợp sức học mày nhất đấy. Học trường nào cũng được, miễn là được đi học!
Còn bà cụ thì phán:
– Nếu mà không được trường D thì bố mẹ sẽ lo cho mày vào trường E. Hôm nào mày thử tới trường E, mẹ thấy cũng được đấy!
Cái Củ Đậu, trường E là trường nào? – Tôi lẩm bẩm. Với suy nghĩ của trẻ con, cái trường mà mình chưa nghe tên bao giờ chắc là… trường kém chất lượng. Tôi lắc đầu nguầy nguậy:
– Khồng, khồng, khồng! Con sẽ thi vào trường B!
Ông cụ miễn bình luận còn bà cụ cười nắc nẻ:
– Ối giời ơi, mày mà vào được trường B hả con?
Các cụ khinh thường thằng con quá! – Tôi nghĩ thầm. Cơ mà bố mẹ lo lắng cũng có cơ sở, bởi điểm số của tôi vốn chẳng tốt đẹp gì cho cam. Nhưng kệ mẹ! Không C, D hay E gì sất, nhất định phải là B!
Tiện nói luôn là vấn đề chọn trường của tôi không liên quan gì tới Hoa Ngọc Linh. Hẳn bạn nghĩ một thằng lười như tôi cố sức thi thố là vì gái phỏng? Thực tình, tôi cũng muốn học chung với Linh lắm, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Linh sống ở quận khác, vì vậy điểm tốt nghiệp của tôi dẫu có bằng hoặc hơn em đi chăng nữa, hai đứa cũng không thể học chung trường. Tất nhiên không phải là hết cách. Ở thành phố có trường S và trường SS, hai trường này không xét điểm tốt nghiệp mà xét tuyển qua kỳ thi riêng của mỗi trường. Tuy nhiên, trong một lần hỏi bài, tôi thử dò xét ý tứ của Linh về trường S và SS thì em lắc đầu cười:
– Chắc không đâu! Tao chẳng muốn thi vào đấy! Trường chuyên lớp chọn gì cho mệt đầu! Học lớp chọn mãi, tao chán lắm rồi!
Tôi gật gù. Vậy là dù muốn hay không, sau cấp hai, tôi và em sẽ chia tay nhau. Tôi không thể thay đổi sự thật ấy.
Nhưng trước khi chia tay, tôi muốn nối lại quan hệ với em. Tôi muốn khỏa lấp cái khoảng cách đã ngăn trở tôi và em suốt năm lớp 8.
Do có kỳ thi tốt nghiệp nên chuyện học hành năm lớp 9 khá nặng nề. Vì chăm lo, hay nói đúng hơn là vì thành tích, các thầy cô liên tục đốc thúc bọn học sinh. Trước lúc vào học chính, nhà trường dành mười lăm phút kiểm tra kiến thức. Mỗi tuần, ba mươi đứa từ các lớp khác nhau bị xướng tên qua loa phát thanh, rồi lần lượt vào phòng làm bài kiểm tra giấy. Điểm cao bao nhiêu cũng không được tính, nhưng điểm thấp là bị gọi điện thẳng cho phụ huynh. Tôi bị gọi vài lần, nhưng không lần nào dính điểm kém. Tập trung học phải khác chứ!
Ban đầu, môn thi thứ tư chưa được công bố. Trái ngược lũ bạn cầu trời khấn phật để tránh môn lịch sử, tôi lại đặc biệt ủng hộ bộ giáo dục cho thi lịch sử, bởi lẽ tôi… ngu hóa học. Thà học vẹt mấy cái chiến dịch với quân ta tiêu diệt bao nhiêu địch, thu lượm bao nhiêu vũ khí, còn hơn là một mớ chữ đi kèm con số bé tí ti với kết tủa, bay hơi, cháy xèo xèo hoặc nổ đì đoàng vỡ nhà chi đó. Nếu thực sự là hóa học, đời tôi coi như bế mạc. May sao năm ấy, người ta quyết định môn thi cuối cùng là sinh học. Có lẽ nỗi khổ của tôi đã lay động trời xanh! Ơn giời ơn phật! Con cảm ơn!
Áp lực kỳ thi cộng thêm quyết tâm nhắm vào trường B, tôi cố gắng trong mọi môn học và gần như không bỏ lớp học thêm nào. Bởi vì nghe đâu trường tuyển chọn còn xem xét cả học lực (sau này tôi mới biết người ta xét điểm thi, không xét thứ hạng). Tôi lấy lại sự tự tin trong môn toán, điểm lúc nào cũng từ số 8 trở lên. Tiếng Anh và Hóa nhờ năng nổ sáng tạo trong học tập cùng với… quay cóp nên tôi giữ điểm trung bình hai môn ở hạng khá. Nói chung, việc học tập của tôi khá tiến bộ.
Nhưng cơn ác mộng của năm lớp 9 lại là môn văn. Phải, văn học! Với đại đa số bọn học sinh ngày ấy, môn đó quá đáng sợ. Đáng sợ không phải vì nó là “văn học”, tôi tin rằng ai cũng có nhu cầu đọc các tác phẩm văn học. Đáng sợ ở chỗ mọi suy nghĩ về tác phẩm của chúng tôi bị bẻ cong theo những lý luận của các ông soạn sách bình luận văn học – mấy thứ sách tham khảo chẳng có giá trị gì ngoài việc cho lũ trẻ con chép vào bải kiểm tra hoặc chuẩn bị bài đối phó kiểm tra miệng.
Quyển vở học văn ngày đó dày ít nhất ba trăm trang, chia thành hai nửa: ngữ pháp và tập làm văn. Ba trăm trang dày đặc chữ nghĩa, bọn trẻ phải nhồi nhét chúng cho tới những ngày cuối cùng của cấp hai. Học thuộc nhé, chứ không phải cảm thụ con khỉ mốc gì đâu! Phần tập làm văn cực kỳ nặng, bao gồm những tác phẩm trọng tâm trong chương trình văn lớp 9.
Có thể kể ra những cái tên khủng bố như: Lặng lẽ Sa Pa, Chiếc lược ngà, Chuyện người con gái Nam Xương, Truyện Kiều hay cơn ác mộng dày vò bao đứa học sinh mang tên “Người lái đò sông Đà”. Chỉ là ông lái đò, cái thuyền, con sông mà sao chia thành ba mảng phân tích khác nhau, thế rồi chốt lại vẫn là “ánh sáng cách mạng”. Tại sao? Vì giáo viên và sách tham khảo bảo thế! Thành thử văn học trở thành môn học thuộc lòng và máy móc. Đến nỗi có chuyện khôi hài là văn gì thì văn, bắt buộc phải nhét bằng được mấy chữ “chế độ thực dân thối nát” với “ánh sáng cách mạng chói lòa”. Ý nghĩ khác ư? Gạch! Không đúng với barem ư? Gạch nốt! Khi ấy, lũ trẻ con đều mong đợi một vị anh hùng xuất hiện và chôn sống mấy thằng cha bình luận văn học kể trên. Thật!
Dù học hành lu bù, chơi điện tử vẫn là một thú vui không dễ bỏ. Năm lớp 9 – năm học căng thẳng nhất – đồng thời cũng là năm game online nở rộ khắp các hàng net. Thực sự nó xuất hiện từ giữa năm lớp 8, ban đầu là trò PTV (Priston Tale) rồi Lineage, sau cùng là sự tung hoành của cơn bão MU, trẻ con quen mồm gọi là Mờ U. Mấy cái thuật ngữ như “ép vé đi Bờ Lút (Blood)”, “đập búa chao (chaos)”, “ đi Đê Vin (Devil)”, “ri sét (Reset)” hay “rửa tội” thân thiết với lũ trẻ con chẳng kém gì “vẩy 46”.
Game online ra đời, một cơ số không nhỏ bọn học sinh bắt đầu cắm dùi dựng trại tại hàng net. Rồi khi Mờ U loãng dần, lũ học sinh lại lao đầu vào Gunbound – một game sử dụng hình ảnh ngộ nghĩnh dễ thương, nó thu hút luôn cả lũ con gái. Hàng net giờ không phải của riêng cho bọn đực rựa nữa, chị em hết giờ học là ra vào quán nườm nượp. He he, các cô gái dính vào game cũng nghiện chẳng kém gì lũ con trai thôi.
Tôi mất thời gian vào game online khoảng hai tháng, cũng “búa chaos”, cũng “ép vé đi Bờ Lút” như ai. Nhưng sau đó tôi bỏ dần, bởi khoảng giữa học kỳ I, một chuyện bất ngờ đã xảy đến: thằng bạn du học của tôi sang nước ngoài sinh sống. Tôi và nó tuy không thực sự thân như kiểu tôi và thằng Choác, nhưng nó là thằng bạn đầu tiên tôi gặp, thằng bạn đầu tiên khiến tôi chửi bậy. Ngày nó rời trường, tôi khóc nức nở như đứa trẻ con, còn nó thì cười toe toét:
– Cái con củ kẹc, khóc với lóc! Rồi bố sẽ gặp lại mày!
Tôi chẳng bao giờ nghĩ một ngày kia, bạn mình sẽ rời khỏi nơi đây và đi tới chân trời mới. Sau sự ra đi của thằng bạn du học, tôi bỗng nhận ra những ngày tháng cấp hai sắp kết thúc. Sẽ không còn trò đuổi bắt, sẽ không còn bà chủ nhiệm môi cong, sẽ không còn bà giáo bộ môn tiếng Anh hay chửi bới học sinh nữa (bả tiếc hùi hụi thằng du học vì chẳng đứa nào mang thành tích học sinh giỏi tiếng Anh về cho bả nữa).
Rồi Hoa Ngọc Linh sẽ ra đi, thằng Choác sẽ ra đi, những đứa khác cũng vậy. Hồi cấp một, tôi từng nghĩ “ước gì được học cấp một mãi mãi”. Giờ đây, dù không còn suy nghĩ ngây ngô ấy nữa, nhưng tôi muốn lưu giữ lại mọi thứ về thời cấp hai để sau này có cái mà nhớ. Tôi bớt thời gian điện tử hơn, tham gia mọi trò chơi của lũ trẻ từ đá bóng, đá cầu, đuổi bắt cho tới trêu chọc bọn con gái. Hồi lớp 8, bọn con gái ghét tôi ghê gớm, nhưng sau chúng nó cũng quen dần với sự vô duyên cục súc của tôi nên chẳng đứa nào phàn nàn khi tôi giở trò nữa.
Học hành tấn tới, bạn bè cũng tạm (trừ thằng Cháy bỏ mẹ ra), chỉ duy một điều làm tôi lấn cấn: Linh. Đã không còn mùa đông giữa tôi và em, đã không còn trận cãi nhau vớ vẩn hồi lớp 7, nhưng khoảng cách vẫn còn đó. Xóa bỏ được khoảng cách ấy hay không phụ thuộc vào tôi.
Thực tình tôi không biết tình cảm giữa Linh và thằng Gà đi xa đến đâu. Tôi thích em thật, nhưng không thích cái kiểu săm soi em đi với ai hay làm gì. Trái tim em đậu ở cành nào, tôi không có quyền rung cành ấy, chỉ có thể đợi trái tim em bay đi rồi đuổi theo. Hơn nữa, do thuộc dạng tán gái siêu ngu nên tôi chẳng đi xa hơn, chỉ giữ quan hệ với Linh ở mức hai – đứa – đã – ngồi – cùng – bàn. Thật may, cái chủ đề âm nhạc rốc rít vẫn cung cấp cho tôi “cái để mà nói”.
– Linkin Park bao giờ ra đĩa mày nhỉ? – Tôi hỏi.
– Chịu! – Linh nhún vai – Thấy bảo chúng nó nghỉ một thời gian, không biết bao giờ mới ra đĩa mới (ban nhạc Linkin Park nghỉ một thời gian khá dài sau khi ra album thứ 3 “Meteora”)!
– Còn band gì đáng nghe nữa không?
– Đầy! Thiếu gì chứ? – Linh hào hứng – Mai tao mang đĩa của Limp Bizkit cho! Nu metal đặc sệt! Nghe không?
– Hôm trước thằng Lỉnh có giới thiệu nhưng đếch để ý lắm! – Tôi đáp – Hay lắm à?
– Rất hợp với cái đầu cục súc của mày! – Linh cười ngất – Đùa thôi! Hay thiệt đó! Tao còn giữ mấy đĩa của Korn, mượn luôn nhé? À quên, còn một đĩa của Metallica nữa, đem về nghe thử coi!
Limp Bizkit hay Korn, tôi đều biết vì hai band đều sừng sỏ trong giới Nu metal. Nhưng cái tên Metallica thì lạ hoắc, tôi chưa nghe bao giờ, bèn hỏi:
– Metallica là bọn vẹo nào?
– Nổi tiếng lắm! – Linh nói – Họ chơi metal hạng nặng (ngày ấy chưa đẻ ra lắm thuật ngữ như bây giờ, cứ Metallica trở lên là hạng nặng). Nghe cũng hay lắm, mày nghe thử xem? À, còn đĩa của Foo Fighters, mày nghe hết chưa?
Đĩa của Foo Fighters nằm trong hộp quà mà Linh tặng tôi hồi lớp 6. Tôi lắc đầu:
– Cố gắng rồi! Nhưng mà nghe cứ làm sao ấy!
– Thì nghe lại đi! – Em cười tươi.
Hôm sau, Linh mang cho tôi cả tập đĩa như đã hứa. Đúng như em nói, cái thứ nhạc của Limp Bizkit hợp với tôi kinh! Tôi vẫn nhớ như in bìa đĩa nham nhở hình thù quái dị trong album năm 2000 của họ cùng bài Hot Dog đặc nghẹt từ “fuck” (album Chocolate Starfish and the Hog Dog Flavored Water).
Nguyên ngày cuối tuần, tôi nằm nhà nghe album, mồm lẩm bẩm “fuck, fuck” liên hồi. Tôi cũng nghe trọn bộ đĩa của Korn, nhưng với Metallica lại tắt ngay khi nghe track đầu tiên. Nhìn bìa album của Metallica mới đơn điệu làm sao: đen sì, dưới góc vẽ con rắn mờ mờ, nhạc thì ầm ầm chẳng đâu vào đâu. Linh nghe loại nhạc này sao? Tại sao em lại bảo nó hay? Rồi còn cả band Foo Fighters nữa, sao em cứ nói rằng âm nhạc của họ thú vị? Nghĩ đi nghĩ lại mới thấy kỳ quặc, ai mà nghĩ cô bé Hoa Ngọc Linh thích nghe mấy thứ nhạc ầm ĩ này chứ?
Tuy không nghe được Metallica, nhưng tôi cũng cố nghe cho hết Foo Fighters để có chuyện mà nói với Linh. Em rất hào hứng khi nghe tôi mô tả cảm nhận của mình về album thứ tư của họ (album One by One, ra đời năm 2002). Em nói:
– Tao thích album ấy lắm! Nhớ bài “Times like these” không? Tao thích bài đó nhất đấy!
– Bài thứ tư hả? Nhưng bài hát đó nói về cái gì vậy?
Linh nắm tay, đôi mắt ngước lên trần nhà, đầu đung đưa như đang nhớ giai điệu sôi nổi của bài hát. Ngẫm nghĩ một lúc, em trả lời:
– Đại khái… ờm, nó nói về một người phân vân giữa việc ở lại với quá khứ hay rũ bỏ tất cả để đi theo con đường mới. Tao nghĩ thế! Nghe lời bài hát thì tao hiểu vậy!
Tôi thừ mặt:
– Giỏi thế? Nghe lời đã hiểu à?
– Không! – Linh lắc đầu – Phải đọc lyrics mới hiểu được! Tao đâu giỏi thế? Có lyrics đấy, xem thử không?
Tôi mượn tờ giấy in lời bài “Times like these” của Linh. Vì nhà lắp Internet nên em thường dành thời gian tìm kiếm lời bài hát yêu thích. Tôi nhìn tờ giấy, lời bài hát là tiếng Anh, nhưng không hề giống những mẫu câu tiếng Anh mà tôi học trên lớp. Tôi nhìn hồi lâu, tâm trí cố nhớ giai điệu ồn ã đầy tiếng guitar và miệng bắt đầu lẩm nhẩm:
It’s time like these you learn to live again
It’s time like these you give and give again
It’s time like these you learn to love again
It’s time like these time and time again