Truyện Sex Tuổi 23
Năm ấy, ngày Valentine đến trước Tết Nguyên Đán và thằng Cuốc nảy ra ý định kiếm chác. Một hôm, nó gọi tôi, thằng Sĩ, thằng Choác và bắt đầu trình bày ý tưởng kinh doanh. Số là nó có anh trai, ông anh này tính chuyện tặng quà bạn gái nhân dịp Valentine mà chưa nghĩ ra món thích hợp. Chẳng biết thằng Cuốc dẻo mồm ra sao mà nó thuyết phục được ông anh mua đồ handmade do chính tay nó làm. Thằng Choác hồ hởi:
– Đâu, đâu, đâu? Cái đồ “hen mết” đâu?
– Cho tao xem cái! – Tôi nói.
– Ông anh mày mất tiền ngu rồi! Mà đâu? Cái đồ đó đâu? – Thằng Sĩ cười phớ lớ.
Ba thằng dài cổ hóng món đồ của thằng Cuốc. Nó chẳng đưa món đồ handmade nào ra mà chỉ tay vào ba thằng tụi tôi:
– Bọn mày làm hộ tao!
– Hả?
– Thế này nhé, khoảng hai tuần nữa là Valentine, anh em mình làm đồ handmade sau đó đem bán, ồ kế? Nhưng mà cần làm vài mẫu trước để xem thế nào, trước tiên là coi anh tao có thích hay không! Vậy ý kiến chúng mày thế nào?
Thằng Sĩ và thằng Choác đồng thanh:
– Đập Con Mèo là không bao giờ!
Mặc cho thằng Cuốc than vãn lẫn ra sức dụ khị, thằng Sĩ và thằng Choác quyết không tham gia vào vụ kinh doanh mà chúng nó cho là vớ vẩn này. Sau cùng, thằng Cuốc cố gắng thuyết phục tôi:
– Đóng Muối, hai thằng kia đếch chịu hiểu ông ạ! Cơ hội kiếm tiền đấy! Mùa Valentine, thằng đếch nào lại mặc cả chuyện quà cáp cho người yêu chứ?
– Nhưng mà tao biết làm mấy cái đồ như thế đâu?
– Thì thế tôi mới bảo anh em mình cần nghĩ xem đồ gì dễ làm mà bán được. Thế nhé! Còn ba tuần nữa thôi! Nghĩ hộ em đi anh, rồi em mời anh bánh xèo!
Nghe đến bánh xèo, hai mắt tôi rực sáng như đèn pha ô tô. Nghe dân tình đồn đại món đặc sản của Sài Gòn này ngon lắm mà tôi chưa được nếm bao giờ. Vì đồ ăn, tôi nhận lời giúp thằng Cuốc. Nhưng nghĩ sao ra một món đồ handmade vừa dễ làm vừa dễ bán đây? Món đồ nào có thể khiến mọi anh chàng phải móc tiền ra tặng bạn gái? Nói đi cũng phải nói lại, người Việt Nam toàn du nhập văn hóa nước ngoài không tới nơi tới chốn. Đọc manga và tham khảo trên mạng, tôi thấy ngày Valentine là cơ hội để con gái tặng quà con trai. Thế mà về Việt Nam, mọi ngày lễ đều ở chế độ mặc định là con trai tặng quà con gái. Cuộc đời bất công gớm!
Nghĩ mãi chẳng ra, tôi bèn hỏi ý kiến của Châu. Nghe xong, cô bé chống cằm suy nghĩ, que kẹo mút trên miệng đảo từ phải qua trái rồi lại từ trái sang phải. Em nói:
– Khó nhỉ? Giờ người ta vào hàng lưu niệm là mua được, mà còn nhiều đồ nữa chứ! Mình làm thì chỉ được một mặt hàng thôi!
– Thôi bỏ vậy! – Tôi lắc đầu – Nghe đã thấy khó rồi!
Châu đấm vào vai tôi:
– Ai bảo bỏ? Nói thế thôi mà đã buông xuôi à? Khó mới cần làm chứ! Bảo với Cuốc cho tớ tham gia nhé, để tớ về nhà nghĩ thêm!
Châu khá nghiêm túc trong việc làm quà Valentine. Ngay hôm sau, em gọi tôi và thằng Cuốc ra một chỗ, tay cầm bút hí hoáy vẽ và trình bày ý tưởng:
– Thế này nhé, chúng ta sẽ cắt miếng xốp theo hình trái tim, sau đó phủ màu rồi vẽ lên đó vài câu, đại khái như “Happy Valentine” hoặc “I love you”. Hoặc là mình sẽ đính hoa giấy lên miếng xốp. Gấp hoa giấy origami ấy? Hiểu không? Xếp hoa giấy theo tên người, chữ cái đầu thôi! Chẳng hạn người ta tên là Trang thì mình xếp chữ “T”, Vân thì là “V”, được chứ? Một nửa miếng xốp mình vẽ chữ, nửa còn lại mình gắn hoa theo tên, được chứ?
– Ờm… nghe cũng được đấy! – Thằng Cuốc gật gù – Nhưng có mỗi thế thôi à? Sao mà thu lãi được?
Bản tính Thằng Cuốc rất lắm ý tưởng nhưng lại hay bàn lùi. Trong kinh doanh người ta gọi là “dự báo rủi ro”, khổ nỗi ông nhõi này sợ rủi ro và lúc nào cũng sợ lỗ. Châu cười:
– Thì tất nhiên là sẽ lỗ rồi! Cuốc tưởng buôn bán dễ lắm à? Cơ mà bọn mình làm cho vui, cho biết buôn bán là thế nào, tiện thể vui chơi luôn, tội gì chứ?
– Sao lại có vui chơi hả cô? – Tôi hỏi.
Châu cười:
– Ở chợ đêm Đồng Xuân mà không đi chơi là phí hoài đó!
Nói cho cùng, ở cái tuổi chíp hôi ấy mà muốn móc túi thiên hạ là chuyện bất khả thi, nhưng xác định làm cho vui và học thêm kinh nghiệm buôn bán cũng chẳng phải ý tưởng tồi. Song có mỗi ba đứa làm thì không ổn, tôi bèn thuyết phục thằng Sĩ và thằng Choác thêm lần nữa. Nghe tôi trình bày mục đích kinh doanh và bánh xèo (bánh xèo là chủ yếu), hai thằng gật gù tham gia.
Sau buổi học, bốn thằng bọn tôi tập trung tại nhà thằng Cuốc và lên kế hoạch mua nguyên liệu. Để làm ra món đồ như Châu nói, bọn tôi cần cắt miếng xốp, mua giấy màu và sơn xì, bút vẽ tôi có sẵn. Nghe có vẻ đơn giản chứ lúc bắt tay vào làm, bốn thằng mới thấy khó kinh hồn. Kiếm xốp khá dễ, nhưng để cắt ra những miếng xốp hình trái tim chẳng dễ chút nào; dùng dao cắt thì miếng xốp luôn bị vỡ hoặc bị răng cưa phần viền, hơn nữa lại chẳng có khuôn. Vạn sự khởi đầu nan, gian nan nản cả lượt, thằng Cuốc lắc đầu:
– Thôi nghỉ các ông ạ, kiểu này là đếch thể làm được đâu!
Ông nhõi chủ trì buông xuôi, ba thằng còn lại cũng nghỉ luôn. Hôm sau, Châu hỏi tôi công việc tới đâu thì tôi trả lời:
– Nghỉ rồi! Thằng Cuốc đếch làm nữa!
Rồi tôi kể lại cho em chuyện cắt mấy miếng xốp. Nghe xong, Châu cười rũ:
– Giời ạ, tự mình sao mà cắt được? Phải đem ra hàng, họ mới cắt cho! Đi, chiều nay đèo tớ xuống phố Hàng Mã!
Chiều hôm ấy, bọn tôi đèo Châu xuống phố Hàng Mã. Đúng như Châu nói, ở đó có những cửa hàng chuyên gia công mặt hàng giấy, xốp, gỗ. Họ có thể bán cho chúng tôi cả lô xốp đồng kích cỡ, giá cả cũng không đến nỗi nào. Châu đặt mua khoảng ba chục miếng, vị chi hết khoảng sáu xịch. Tôi không thắc mắc chuyện tiền nong mà thấy số lượng xốp quá nhiều, bèn nói:
– Nhiều thế này, làm hết được không?
– Dôi ra mười cái hỏng ấy mà! – Châu nói – Cùng lắm mình làm hai chục cái thôi, mười cái đề phòng nhỡ hỏng còn làm lại.
Ba thằng bạn quý hóa của tôi giơ ngón cái khen Châu nói đúng. Thằng Sĩ gật gù:
– “Trâu” nói là chuẩn!
– Ông còn phải học tập nhiều! – Thằng Cuốc tiếp lời.
– Mày ngu lắm con ạ! – Thằng Choác đế thêm.
“Tổ cha mấy thằng vì gái phản bạn!” – Tôi chửi thầm. Nhưng những lời của Châu làm tôi vỡ ra nhiều điều. Hồi đó, tôi là một gã công tử thành thị điển hình: chỉ học, chơi rồi vẽ, mấy kiến thức thường nhật hầu như mù tịt. Nhờ cô bé Trâu điên, tôi biết thêm lắm thứ hay ho của cuộc sống.
Sau đó, bọn tôi rong ruổi xe đạp trên phố Hàng Mã mua thêm giấy màu và sơn xì. Tổng thiệt hại gần ba lít, cả năm đứa hôm ấy bị vét sạch túi. Mặc dù đã chuẩn bị tiền từ trước nhưng thằng nào cũng tiếc ngẩn tiếc ngơ; từ nay đến Tết hết chơi điện tử, hết ăn quà vặt và quay về với cái bánh mì “bửn bửn” dưới căng tin. Trông bản mặt lũ con trai chúng tôi, Châu cười:
– Nghỉ chơi điện tử vài hôm thôi mà! Bọn mình cố gắng làm xong rồi bán hàng ở chợ đêm! Ở đấy vui hơn nhiều!
Với những ai chưa biết thì “chợ đêm” ở đây là chỉ chợ đêm Đồng Xuân ở quận Hoàn Kiếm. Ngày đó, chợ đêm không phải thứ gì quá mới mẻ, bản thân tôi đã qua đó vài lần. Nhưng bán hàng ở chợ đêm lại là một trải nghiệm mà tôi chưa từng trải qua. Bọn thằng Sĩ, thằng Cuốc và thằng Choác cũng thế. Nghe lời Châu, ba tuần trước ngày Valentine, bốn đứa con trai không bén mảng hàng điện tử nửa bước mà tập trung làm việc. Làm việc nhé! Nghe oai chửa? He he!
Nhà thằng Cuốc khá rộng, lại gần trường nên bọn tôi chọn đó làm cơ sở sản xuất, cứ sau giờ học là lại tụ tập về nhà nó làm. Việc khá nhiều nên Châu rủ thêm cả cô bạn thân của em tên Hà làm cùng (cô bé ngày trước vẫn chở Châu ra bến xe buýt). Công việc đầu tiên là tạo màu cho miếng xốp; đơn giản là dùng sơn xì phun lên rồi đợi sơn khô. Tuy nhiên Châu cho rằng như vậy quá đơn điệu, em nói:
– Mình có một mặt hàng thì phải làm nó đa dạng màu sắc. Tùng thử pha màu xem, đại khái một miếng xốp có màu đỏ là chủ yếu nhưng có thêm vài chấm màu trắng chẳng hạn? Hả? Nói – chậm – lắm – rồi – đấy!
– Nhưng mà vẽ chữ bằng màu trắng rồi cô ơi! – Tôi nói.
– Không, cái đó dùng để gắn hoa giấy. Còn những cái vẽ chữ thì mình để miếng xốp đơn màu cũng được, nhưng tốt nhất là đừng để nó đơn điệu.
Tôi và Châu bàn luận khá nhiều cách phối màu sắc cho những miếng xốp. Thi thoảng chúng tôi cũng cãi nhau về việc lựa chọn màu nào cho phù hợp. Cãi nhau lắm, tôi để ý em thích những tông màu dịu như hồng nhạt, xanh nước biển hoặc xanh nõn chuối; em cũng nhận ra tôi khoái những tông mạnh và rực rỡ hơn như đỏ thẫm, tím than hoặc màu da cam. Có bận, chúng tôi cứ tranh cãi nhau về việc chọn màu phụ nào cho miếng xốp màu tím. Châu muốn tôi dùng màu vàng tươi, còn tôi lại thích xài màu trắng. Tranh cãi chán chê, tôi quay ra trêu chọc em:
– Người lớn nói thì phải nghe, học sinh cấp hai thì biết gì?
Châu có vóc dáng nhỏ nhắn nên tôi toàn trêu em là “học sinh cấp hai”. Nghe thế, cô bé chẳng nói chẳng rằng liền thụi tay vào be sườn của tôi. Tay em bé bé mà toàn xương, đấm đau khiếp! Tôi “á” một tiếng rồi nhe răng trợn mắt trước mặt em:
– Đau! Cô thích giết người à?
– Cho chết! Ai bảo chê tớ lùn? – Em bụm miệng cười.
Và mấy thằng bạn được thể ném đá đồng đội. Bao giờ cũng là thằng Sĩ khai mào, thằng Cuốc góp mắm muối và thằng Choác chốt hạ:
– “Trâu” nói đúng rồi, ông nghe lời “Trâu” đi!
– Chê khuyết điểm của người khác là ngụy biện đấy!
– Mày ti tiện lắm Tóp ạ! Lại cãi! Im đê, con tiện nhân!
Tôi gào rú bóp cổ đấm đá từng thằng một, còn Châu cười rũ rượi.
Sau cùng, tôi làm theo ý Châu là vẽ đường vân màu vàng tươi trên nền miếng xốp màu tím than. Mà màu vàng tươi làm miếng xốp rất nổi bật, hơn hẳn màu trắng. Về khoản màu sắc, Châu khá giỏi vì em vẽ màu thường xuyên, còn tôi trước nay chủ yếu vẽ chì nên không rành bằng em. Nhưng nhờ thế, tôi biết được nhược điểm của mình để tiến bộ.
Qua được công đoạn phun sơn vất vả, những phần còn lại dễ thở hơn nhiều. Vì khéo tay, tôi phụ trách toàn bộ phần vẽ chữ cho mười lăm miếng xốp. Những đứa còn lại gấp giấy màu để làm hoa hồng kiểu origami. Bọn tôi phát hiện thằng Choác gấp giấy rất đỉnh, hỏi ra mới biết con vẹo này chơi origami từ năm lớp 10. Thằng Sĩ và thằng Cuốc gấp kém hơn nên cắt giấy rồi gấp đường viền sẵn (những đường gấp đơn giản trước khi gấp thành hình), hai ông thần hăng say đến nỗi số giấy cắt ra chất thành đống cao ngất. Nếu bọn tôi không ngăn lại, dám cá chúng nó cắt bằng sạch giấy mới thôi.
Gấp giấy xong xuôi, bọn tôi bắt đầu đính hoa vào miếng xốp. Theo ý tưởng của Châu, các bông hoa sẽ xếp chữ cái đầu tiên trong tên của cô gái. Nhưng tên người nhiều vô kể, số lượng miếng xốp có hạn nên chúng tôi lựa chọn những chữ phổ biến nhất như “T”, “L” và “H”, mỗi chữ chiếm ba cái. Sáu miếng còn lại, mỗi miếng một chữ khác nhau như “V” hoặc “B”. Lúc thằng Choác xếp chữ “C”, tôi hỏi:
– Tên con gái có ai là chữ C nhỉ?
Thằng Choác ngẩn tò te. Nó nói:
– Ờ… chẳng lẽ là Cún? Hay Chó?
Tôi với nó cười sằng sặc, nhưng cả hai thằng nhất thời không nghĩ ra tên cô gái nào bắt đầu bằng chữ C. Lúc ấy Châu bỗng lên tiếng, đôi mắt lườm tôi và thằng Choác:
– Thế tớ thì sao, bỏ đi đâu?
“Ờ nhỉ!” – Tôi và thằng bạn bịt mồm cười. Lâu ngày gọi Châu là “Trâu” nên chúng tôi quên béng tên em. Tôi tủm tỉm cười:
– Hình như là “Trâu” chứ có phải Châu đâu?
Châu co tay đấm tôi vài phát. Kể cũng lạ, bọn thằng Sĩ thằng Cuốc suốt ngày gọi “Trâu” chẳng sao, hễ tôi mở miệng ra là em lại đấm. Chúng nó nói gì, em chỉ cười, còn tôi phát ngôn câu nào, em bật lại câu đó (lắm khi là cố tình). Đúng là cái số bị gái ghét! Sau này lấy vợ thế nào đây? –Tôi đã than thở như vậy.
Sau hai tuần cật lực, bọn tôi đã hoàn thành công việc. Bỏ bốn miếng xốp bị hỏng và một miếng cho anh thằng Cuốc, tổng cộng sản phẩm là hai mươi lăm chiếc, mười hai xếp chữ hoa giấy, mười ba chiếc vẽ chữ. Dù chẳng biết bán được hàng hay không nhưng đứa nào cũng vui. Cũng giống như vẽ tranh, khi bạn bỏ công sức ra vẽ, tô màu và tới lúc hoàn thiện nó, bạn sẽ thấy vui hơn – một thứ hạnh phúc do bạn tự tay tạo ra. Chỉ khổ là nhà thằng Cuốc đợt ấy như bãi chiến trường, chúng tôi phải dọn dẹp cả chiều mới sạch sẽ. May thay mẹ nó dễ tính nên cũng không phàn nàn gì. Về phần ông anh thằng Cuốc, ổng thấy món đồn handmade này cũng đẹp nên vui vẻ bỏ ra hai mươi nghìn. Thấy ổng phản ứng thế, chúng tôi khá vui và hy vọng bán được hết số hàng này.
Chiều hôm cúng ông Công ông Táo, chúng tôi bọc từng miếng xốp trong túi nylon rồi chở hàng ra chợ đêm Đồng Xuân. Lâu rồi tôi không đi chợ đêm nên chẳng biết nơi ấy thay đổi ra sao, chỉ nhớ ở thời của tôi, chợ chia thành hai thành phần: khu chính dành cho người buôn lâu năm, khu phụ cho dân buôn bán thời vụ. Dân buôn thời vụ thì không có sạp hàng, chỉ bán bên lề đường hoặc tự dựng những góc con con để trưng bày hàng. Trong số dân buôn thời vụ có rất nhiều các anh chị sinh viên, họ cũng bán đồ handmade, mặt nạ hoặc bóng bay. Một số sinh viên trường mỹ thuật còn vác cả giấy bút ra vẽ tranh chân dung lấy tiền. Thấy họ giống mình, chúng tôi cũng đỡ ngại ngùng hơn. Như thường lệ, Châu lại là người lên tinh thần cho cả bọn:
– Làm thôi! Mấy ông đừng lì lì vậy chứ, trông ghê chết được! Cười lên xem nào! Cười lên đi Tùng ơi! Tớ bảo là cười cơ mà!
Em đưa tay tóm má tôi và cố chỉnh thành nụ cười. Trông em phẫu thuật bản mặt nhăn nhó của tôi, cả lũ cười theo rồi bắt tay vào làm. Chúng tôi dựng hàng gần một cột điện, treo một tấm xốp cỡ bự lên thân cây, sau đó đính các miếng xốp lên đó để trưng bày. Tôi không thể nhớ chính xác cột điện ấy nằm chỗ nào trong chợ đêm, chỉ nhớ nếu từ cột điện ấy đi lên khoảng chục bước sẽ gặp hội hát xẩm khá nổi tiếng ở Đồng Xuân. Họ thường hát vào tối thứ bảy, song độ ấy gần Tết nên ngày nào cũng có hội xẩm.
Phải, Tết sắp về. Trên mọi nẻo đường, tôi thấy những cành đào tươi sắc hồng thắm, những chậu quất lớn trên yên xe máy thi thoảng tạt qua. Không khí Tết khiến tôi lợn cợn suy nghĩ về Hoa Ngọc Linh. Tháng vừa rồi tôi vừa tặng em một bức tranh khác, cũng đóng khung gỗ, cũng đổ màu và cẩn thận từng nét vẽ. Chẳng biết em có thích không? Giờ này em đang làm gì? – Tôi tự hỏi.
Những suy nghĩ vẩn vơ ấy của tôi nhanh chóng tan biến khi đêm xuống. Cuộc sống khu chợ náo nhiệt và sôi động khiến tôi nhanh chóng quên đi những phiền muộn. Thực tình, nếu đi chơi ở đó, bạn chẳng có thời gian đâu nghĩ chuyện quá khứ. Chen chân vào dòng người đông đúc, ngắm nghía đủ thứ mặt hàng thập cẩm tạp pí lù hay khư khư ôm ví tiền đề phòng quân hai ngón đã đủ mệt rồi.
Khách khứa đông dần, bọn tôi cũng bắt đầu làm việc. Sáu đứa chúng tôi (bốn thằng con trai, Châu và cô bạn em) thay phiên nhau mời chào khách. Thằng Sĩ và thằng Choác được tướng cao to bảnh chọe (thằng Choác cũng bảnh lắm), các em gái như ruồi thấy mật cứ bu tới. Châu và bạn em được cái khéo miệng nên ai cũng hỏi. Tôi thì ăn nói kém cỏi, bộ môn marketing mù tịt nên chẳng ma nào thèm ngó. Tới lượt ông Cuốc thì ông thần này oang oang giữa đường, mồm hắn gào to, hai chiếc răng to tổ bố lồ lộ:
– Mua giùm em các anh chị ơi! Hàng ngon, bổ, rẻ, chưa qua sử dụng! Giá cả phải chăng! Hợp với đôi lứa, anh mua chị thích! Mua giùm em với!
Nghe nó quảng cáo, cả lũ bọn tôi lẫn dân buôn bán xung quanh cười sặc. Cơ mà thằng Cuốc chẳng ngại gì, cứ bô bô mời chào. Ấy thế mà cũng có tóm được hai, ba khách; vẫn tốt hơn tôi nhiều!
Nhưng buôn bán kinh doanh là một lĩnh vực quá sức với lũ học sinh. Nhiều khách hỏi nhưng chẳng ai mua đồ của bọn tôi. Người chê đắt (mỗi miếng xốp giá hai mươi nghìn), người tần ngần định mua rồi lại thôi, người nói ở ngoài kia có nhiều đồ đẹp hơn (dù họ khoái mấy miếng xốp vẽ màu nước của tôi chết cha); bọn tôi quá tốn thời gian vào những người thờ ơ mà lại dành ít sự quan tâm cho người có nhu cầu.
Trong ngày đầu tiên, chúng tôi chẳng bán được cái nào, tâm trạng cả lũ khá hụt hẫng. Không hụt hẫng sao được khi chẳng ai trả giá cho công sức của mình? Nhưng với tinh thần “cọ xát là chính”, chúng tôi cũng không quá nặng nề tiền bạc. Châu cười:
– Thôi không sao, bán được thì bán, không được thì thôi, bọn mình qua đây vui chơi là chủ yếu!
Sang ngày thứ hai, chúng tôi không quá tập trung bán hàng mà dành thời gian vui chơi nhiều hơn. Bốn đứa ở lại còn hai đứa đi chơi thoải mái trong nửa tiếng, hết thời gian lại về trông hàng. Châu và bạn em lượn trước, lúc về hai nàng mang theo mấy con thú bông móc vào chìa khóa.
Thằng Sĩ và thằng Cuốc đều sở hữu tâm hồn ăn uống mạnh nên vác về bản doanh một lô một lốc quà vặt đủ đánh chén qua đêm. Tôi và thằng Choác thì chẳng có nhu cầu ăn hay chơi gì nên chỉ tản bộ loanh quanh, hết qua khu hát xẩm lại vòng về khu vui chơi có thưởng xem dân tình đốt tiền. Tuy nhiên, lúc đi qua cửa hàng lưu niệm, thằng Choác bỗng hỏi một câu:
– Thế hôm Valentine, mày có định tặng con Linh cái gì không?
Tôi gãi gãi đầu rồi nói:
– Đập Muỗi ông hỏi khó tôi! Tao tặng nó quà sinh nhật rồi, ngày nào cũng tặng nó tranh, chưa đủ chắc? Với cả Valentine là con gái tặng con trai chớ!
– Thế mày nghĩ bọn con gái chịu hiểu chắc? – Thằng Choác cười phớ lớ – Ông tặng nó cả năm mà không tặng ngày Valentine thì chúng nó sút ông luôn và ngay! Đầu óc con gái thế mà! Cơ mà tao thấy mày nên mua quà tặng đứa khác thì tốt hơn! Đừng chối, tao biết thừa mày đang thích ai! Mày không qua mặt được lãnh tụ đâu!
Tôi chột dạ. Thằng Choác trông vậy mà mắt nhìn đời của nó cũng sắc sảo ra trò. Quả thực, nếu bắt tôi tặng quà cho một cô gái, tôi sẽ tặng cho Châu. Nói thế không có nghĩa là tôi bỏ quên Hoa Ngọc Linh, nhưng vì Linh ở xa quá, vì suốt mấy năm nay tôi chưa gặp Linh, vì Linh không trả lời tin nhắn Yahoo!, vì… nhiều thứ khác. Trong tâm tưởng, tôi đã cố gắng ngụy biện mọi lý do, nhưng chẳng thể chống lại một sự thật: nếu phải tặng quà, tôi sẽ tặng cho Châu.
Đương mải suy nghĩ, thằng Choác bỗng khoác vai tôi, bản mặt khắm bẹn hơn bao giờ hết:
– Tao biết là mày yêu tao, cho nên mua hộ tao cái móc chìa khóa! Đi…
– Đập Muỗi, bố chỉ còn mười cành thôi, không đủ tiền!
– Đi mà, anh Tóp ơi em yêu anh! Mua cho em đi!
– Con bà mày!
Chúng tôi vừa cười ngặt nghẽo vừa chửi nhau trên suốt đường về. Thằng Choác không tinh tế như tôi tưởng, nhưng câu hỏi của nó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Suốt ngày thứ hai, bọn tôi chỉ bán được một cái, tình hình kinh doanh vẫn tệ. Nhưng sang ngày thứ ba, mọi chuyện đổi khác sau một biến cố nhỏ. Số là gần hàng tụi tôi có một bà cô bán đĩa lậu. Tầm tối tối, bả lại mang cả sọt đĩa tới, bày ra hàng đống trên cái bạt to tổ bố. Thời đó, Internet chưa mạnh như bây giờ nên đĩa vẫn được ưa chuộng, hàng của bả bán rất chạy. Đúng hôm ấy, đội trật tự gì đó của khu chợ đi bắt những người bán hàng lậu. Nhác thấy đám trật tự đằng xa, bà cô vội vàng vén đĩa vào sọt song không xuể, bả quay sang gọi bọn tôi:
– Giúp cô với các con ơi! Giúp cô với!
Bốn thằng con trai thấy vậy cũng giúp bả thu dọn đống băng đĩa vào sọt. Bà cô ôm sọt chạy huỳnh huỵch, đám con buôn gần đấy cũng tách ra cho bả thoát thân. Lát sau, đợi đội trật tự đi rồi, bà cô bán đĩa quay trở lại và không ngớt lời cảm ơn bốn thằng bọn tôi cộng thêm mấy câu chửi bới dành cho đội trật tự chợ đêm. Từ đấy về sau, hễ thấy đôi nào đi qua là bả lại quảng cáo hàng giúp bọn tôi. Bả là dân buôn, chửi như hát hay mà mời chào cũng khéo:
– Mấy em ơi mua hàng đi này! Va len tin mua cái gì tặng người yêu đi em ơi, hàng của bọn trẻ con này đẹp lắm! Mua đi em, rẻ lắm!
Dân buôn lâu năm có sức hút đặc biệt mà bọn học sinh chúng tôi không hề có. Nghe bà cô mời chào, nhiều người đứng lại xem và hỏi mua hàng của tụi tôi. Có anh chàng chê đắt, bà cô nói luôn:
– Hai mươi nghìn là rẻ rồi em ơi! Mua tặng người yêu thì hào phóng chút đi chứ! Em trả ít thế thì ai làm cho em nữa?
Nhờ bà cô quái chiêu này, ngay tối hôm đó, chúng tôi bán được mười hai chiếc. Sang ngày thứ tư, cũng nhờ bả mà chúng tôi bán thêm mười chiếc nữa. Tôi từng nghe thương trường như chiến trường, nhưng qua lần ấy, tôi nhận ra rằng giúp đỡ người khác đúng lúc sẽ mang lại nhiều lợi ích. Mấy ngày ở khu chợ đêm, tôi đã học được nhiều điều mà trường học hay cha mẹ không dạy cho mình. Châu nói đúng, chợ đêm vui hơn mấy quán điện tử nhiều!