Truyện Sex Tuổi 23
Hè năm ấy nóng kinh khủng, sức nóng của kỳ thi đại học cũng khủng khiếp chẳng kém. Thời tiết nóng bức làm con người ta nóng đầu hơn bao giờ hết. Bố mẹ tôi lại càng nóng nực hơn khi thấy thằng con mình suốt ngày chúi mũi vào vẽ vời. Tôi nói mình muốn trở thành họa sĩ tạo hình nhân vật game. Bố mẹ cười vào suy nghĩ đó của tôi. Và không riêng gì bố mẹ tôi, tất cả những bậc cha mẹ khác – những con người của thế hệ cũ – sẽ cười vào mặt đứa con mình nếu chúng có ước mơ giống tôi. Hai cụ quyết định can thiệp vào cuộc sống của tôi và không muốn tôi vẽ nữa. Các cụ gọi đó là “uốn nắn”, tôi gọi đó là “gò ép”. Tôi muốn thi ngành mỹ thuật, còn bố mẹ lại hướng tôi vào ngành tài chính – ngân hàng.
Phải nói rằng những năm đó, cả xã hội điên đảo với chứng khoán và ngân hàng. Đâu đâu cũng nghe “cổ” và “trứng”, ai ai cũng kháo nhau làm ngân hàng tài chính dễ kiếm tiền lắm. Mà đúng là hồi đó, những người làm việc trong ngành này kiếm được rất nhiều tiền, mà với xã hội đương thời, thằng nào kiếm được nhiều tiền bất kể tiền từ đâu ra, thằng đó được tôn trọng. Tự nhiên đám chứng khoán – tài chính – ngân hàng “lên đời” hẳn. Một cơ số phụ huynh vì thế dồn con cái đi học cái ngành dính mùi tiền nong. Bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Bằng mọi phương pháp, từ mắng chửi thần tốc, khuyên răn du kích đến lựa lời kiểu “đánh chậm thắng chắc”, bố mẹ cố gắng thay đổi suy nghĩ của tôi. Nhưng tâm tư thằng chọi con mười bảy tuổi rắn chắc hơn cả cứ điểm Điện Biên Phủ, các cụ nặng nhẹ thế nào, tôi vẫn không nghe. Sau cùng, mẹ buông một câu bực dọc:
– Đấy, mày thích thì vẽ! Nhưng mày sống được với vẽ không? Tao hỏi mày thế thôi! Nếu mày vẽ mà kiếm đủ tiền nuôi mồm mày thì tao cho mày học vẽ!
Lời của mẹ khiến tôi phải suy nghĩ. Và đến tận bây giờ, nhiều khi tôi vẫn mất ngủ vì câu nói đó. Ừ thì tôi có đam mê, ừ thì tôi vẽ đẹp, nhưng tôi sẽ làm gì với nó? Ngày ấy, tôi không thể nhìn ra bất cứ cơ hội nào cho mình. Giả như tôi có thể ra nước ngoài, hẳn tôi sẽ có nhiều điều kiện hơn. Nhưng ở nơi đây, hoàn – toàn – không – có. Tôi chưa tiếp xúc với cuộc đời, nhưng tôi nhận ra sẽ chẳng ai trả công cho những bức vẽ tưởng tượng của tôi cả.
Dù vậy, tôi vẫn phản kháng lại bố mẹ theo cách riêng. Bố mẹ ép tôi học thêm, tôi học lấy lệ; cấm tôi vẽ, tôi lén lút vẽ ở lớp học thêm. Có lúc họ cấm tôi chơi điện tử, tôi bèn ăn cắp tiền – một hành động đáng xấu hổ. Cho đến khi phát hiện ra tôi chôm chỉa, các cụ thất vọng vô cùng. Mẹ tôi thì khóc lóc than vãn, còn bố chẳng nói câu nào. Bố chẳng đánh tôi như hồi cấp hai nữa, nhưng đôi mắt ông cụ lộ rõ sự thất vọng, ông nói:
– Mày làm sao thế con? Mười bảy tuổi rồi, ít ỏi gì nữa? Sống phải có trách nhiệm với gia đình chứ! Có mỗi việc học mà chẳng nên cơm nên cháo gì cả!
Bố cho tôi hai lựa chọn: một là tiếp tục học, hai là biến khỏi nhà cùng với thứ ước mơ vẽ vời vớ vẩn. Phải nói rằng cha tôi là người cứng rắn, hoặc có con hoặc không cần đứa nào hết. Tôi đã định bỏ nhà đi thật, nhưng nghĩ lại, tôi thấy nó chẳng ích gì. Bỏ nhà đi rồi ba ngày sau phải mò về vì không có tiền, vì đói thì đi làm gì? Mà bỏ đi, tôi lấy đâu bút giấy để vẽ? Cuối cùng, tôi đầu hàng trước sự cứng rắn của bố. Tôi học thêm trở lại và cố sức học. Học không phải vì trách nhiệm hay danh dự của bố mẹ, tôi học chỉ vì muốn đỗ đại học. Đỗ đại học không phải vì tôi thích ngành tài chính ngân hàng, mà bởi bố mẹ nói rằng không đỗ đại học là cuộc đời bế mạc. Tôi gắng sức không phải vì niềm vui truy cầu kiến thức mà vì sợ hãi viễn cảnh không công ăn việc làm do không có bằng đại học.
Ngừng vẽ, tôi trở về hình dạng của một thằng học sinh điển hình: học, ăn và ngủ – một cỗ máy không hơn không kém. Ngày nghỉ, tôi không dám đụng đến bút vẽ, tôi sợ cơn thèm khát vẽ sẽ khiến mình tiếp tục con đường trốn học. Những lúc như thế, tôi uất ức phát khóc, chỉ biết trốn trong rock và metal. Tôi tự an ủi sẽ có ngày mình được vẽ, được thỏa sức thực hiện giấc mơ, giống như bài hát “Another day” của ban nhạc Dream Theater vậy.
“You won’t find it here, look another way, you won’t find it here, so try another day! – Nếu không thể vào hôm nay, hãy tìm con đường khác, nếu không thể vào hôm nay, hãy thử vào một ngày khác!”.
Những thằng bạn của tôi cũng gặp khó khăn với bố mẹ trong việc chọn ngành nghề. Bố mẹ thằng Sĩ muốn nó vào mấy trường hành chính, sau này nhét nó vào cơ quan nhà nước. Nhưng thằng Sĩ không chịu nghe và nhất quyết chọn ngành marketing. Sau nhiều ngày tranh cãi, cuối cùng bố mẹ thằng Sĩ đành phải chiều theo ý nó. Nó là đứa duy nhất trong bốn đứa chúng tôi thực hiện được nguyện vọng của mình. Tôi vừa vui vừa ghen tị với nó:
– Nhất mẹ mày luôn! Được lựa chọn theo ý mình nhé!
– He he! Cảm ơn! Tôi sẽ đỗ cho ông xem! – Thằng Sĩ cười phớ lớ.
Thằng Choác kém may mắn hơn khi phụ huynh nhà nó cứng rắn chẳng kém phụ huynh nhà tôi. Nhưng như đã đề cập, họa trời mới cản được thằng hẹo này. Nó nói với tôi:
– Tao chẳng thi thố gì hết! Kệ mẹ! Muốn ra sao thì ra!
– Ý mày là sao?
– Kệ mẹ thi! Ông bà già bắt tao thi chứ gì? Tao cứ vào rồi đếch làm bài đấy, làm gì được tao?
– Không thi được đại học thì mày học ở đâu chứ? – Tôi hỏi.
– Vẫn có trường nhận hồ sơ. Tao sẽ vào đó!
Tôi thì sống theo ý bố mẹ, thằng Choác và thằng Sĩ có quyết định riêng. Còn thằng Cuốc phó mặc cuộc đời mình trong tay mẹ nó. Nó chẳng biết mình thích gì, muốn gì hay trở thành cái gì. Suốt từ cấp một tới cấp ba, mẹ thằng Cuốc chăm chỉ đi thầy cô để giữ học bạ của nó ở mức chấp nhận được. Nó là con út trong nhà, mọi việc đều phải nghe mẹ, anh trai và những người lớn tuổi hơn. Năm này qua năm khác, sự vâng lời như nhà tù giam hãm đầu óc thằng Cuốc để cuối cùng, nó chẳng hiểu nổi chính mình. Nó cũng biết điều ấy và tâm sự với tôi. Tôi đưa ra nhiều lời khuyên, nhưng với bản tính hay bàn lùi, thằng Cuốc thở dài:
– Thôi kệ mẹ ông ạ, cứ vào đại học đã rồi tính sau!
Thằng Cuốc không phải trường hợp cá biệt. Ở lớp học thêm, tôi tiếp xúc kha khá bọn học sinh trường khác. Đa số chúng nó phó mặc cuộc đời cho bố mẹ mình và nghĩ rằng cứ vào đại học là sẽ có việc làm – một suy nghĩ nực cười nhưng phổ biến thời đó. Có thằng chỉ coi học thêm là trò vui vì bố mẹ đã cơ cấu sẵn cho nó một vị trí ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Nó tự tin nói:
– Học hành mẹ gì, sau này thằng nào kiếm được nhiều tiền, thằng ấy là bố!
Những đứa có chí khí hơn thì xác định rõ ngành nghề mình theo học. Nhưng tôi hỏi mười đứa thì mười một đứa không biết học xong sẽ làm nghề gì, nghề ấy hợp với mình không. Cùng là ngành ngân hàng nhưng giao dịch viên khác kế toán, khác tư vấn viên nhiều lắm. Song chẳng đứa học sinh nào biết điều ấy. Tôi nghe nói bây giờ, ở các trường cấp ba, người ta đang áp dụng mô hình hướng nghiệp cho học sinh. Tôi cảm thấy ghen tỵ với các em, bởi ít nhất các em được hướng dẫn. Còn ở thời của tôi, mỗi đứa học sinh phải tự vật lộn giữa sở thích, mong muốn của phụ huynh cùng tương lai bất định. Ở lớp tôi, có một đứa đã bỏ ngang học hồi lớp 11 để đi theo ước mơ làm ca sĩ. Nó rất nghiêm túc trong vấn đề này và dấn thân vào con đường gian khổ ấy, bất chấp sự can ngăn của cha mẹ. Đến bây giờ, sau nhiều năm cố gắng, thằng đó đã gặt hái được những thành công nhất định. Nhưng những trường hợp như nó thực sự hiếm, rất hiếm.
Vào năm học mới, chủ đề được bàn tán nhiều nhất là đại học. Đâu đâu cũng thấy tiếng chọn trường này trường kia, nghe mà phát nản. Tôi bèn tới bên Châu. Chỉ cần tưởng tượng gương mặt hồn nhiên của em, tôi thấy đời vui hơn một tí. Nhưng sự tình không hề như tôi mong đợi.
– Cô vẽ đến đâu rồi? Có tranh mới không, cho tôi xem!
– À… ừ… tớ đang vẽ. Lúc nào vẽ xong tớ đưa cho!
– Tập vẽ tĩnh vật với vẽ bố cục chưa? Ngành mỹ thuật sẽ hỏi đó!
– Ừ, tớ đang tập vẽ.
Em nói chậm lắm, không còn kiểu xả chữ như bắn súng nữa. Em cũng chẳng cãi cọ mỗi khi tôi trêu em là “Trâu điên”, hai bờ má không ửng đỏ như mọi khi. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đôi mắt em – đôi mắt khiến tôi trở thành gã trai khờ dại – đã đổi khác, nó lặng lẽ một cách khó hiểu. Nhận ra em thay đổi, tôi bèn hỏi:
– Cô có chuyện gì à? Kể tôi nghe xem nào?
– Không có gì đâu mà! – Em cười.
Em cười mà đôi mắt em chẳng có lấy một tia vui vẻ. Em nói “không” song thực chất em đang có vấn đề. Nhưng hỡi ôi, thằng con trai mười bảy tuổi sao hiểu nổi thứ tâm lý phức tạp ấy? Em trả lời “không” và tôi nghĩ em không muốn bị làm phiền.
Và giá như ngày đó, tôi tiếp tục gặng hỏi và quan tâm đến em nhiều hơn.
Kể từ ấy, những cuộc trò chuyện giữa tôi và Châu ngày càng ngắn lại. Em dường như chẳng hứng thú với giấc mơ vẽ vời của tôi nữa. Em dần kết thân với những đứa con gái ưa trang điểm và coi trường học là sàn catwalk. Ngày đó, bọn con gái khoái ép tóc, đi đâu cũng gặp vài ba cô tóc thẳng đuột khô nhếch như tóc ma nơ canh. Và Châu cũng ép tóc, em bắt đầu làm đẹp làm dáng như bao thiếu nữ khác. Có những hôm em tới lớp với đôi môi đỏ tươi, gương mặt trang điểm rất khéo hút hồn bao thằng con trai cùng lớp. Thằng Sĩ chảnh là thế cũng không kìm nổi, phải thốt lên:
– Đập Muỗi, Châu xinh vãi chúng mày ạ!
– Đóng Muối, xinh nhất lớp, à không nhất khối luôn!
Tôi lắc đầu:
– Nhưng mà tao thấy…
Chưa để tôi nói hết câu, thằng Sĩ lẫn thằng Cuốc băm bổ vào mặt tôi:
– Ông không ngắm thì để bọn tôi ngắm! Không thấy nó xinh à, thằng mù! Grào…
– Thằng họa sĩ như ông về ôm ấp mấy đứa con gái tưởng tượng đi! Gréc…
Khó ai tưởng tượng ra cô bé “Trâu điên” ấy một khi trang điểm lại đẹp đến vậy. Không chỉ bọn trai cùng lớp mà nhiều thằng trong khối cũng để ý tới em. Châu càng lúc càng lắm vệ tinh hơn bao giờ hết, dường như mọi thằng con trai đều tiến bước về phía em. Nhưng tôi thì không, tôi lùi bước, mỗi lúc một xa em hơn. Đó không phải là Châu mà tôi biết, không phải cô bé đem lại niềm hứng khởi cho bất cứ ai, không phải cô bé vô tư làm tôi ngây dại. Nhưng cuộc sống là thế, sẽ có lúc con người thay đổi và tôi buộc phải chấp nhận điều đó.
Vì không còn vẽ tranh nên tôi bớt tiếp xúc với Châu hơn. Dần dần, hai đứa không nói chuyện cùng nhau nữa. Em vui vẻ với bạn mới, còn tôi chỉ đứng từ nơi xa mà trông em vui đùa. Con gái trưởng thành sớm hơn con trai, và họ sẽ nhanh chóng quên hết những hoài niệm thời thơ bé. Còn tôi chỉ là một thằng lớn xác mà chưa lớn suy nghĩ, tôi vẫn giữ hoài niệm về buổi tối chợ đêm, vẫn giữ hình bóng em một cách ích kỷ. Chỉ có điều, em thay đổi nhanh quá, đến nỗi tôi không kịp thích ứng. Suốt một thời gian dài, tôi không hề tìm hiểu tại sao em lại thành ra như thế.